Tái sử dụng chai nhựa lợi hay hại?

Bạn đã bao giờ dùng hết một chai nước lọc hay nước ngọt, rồi lại cho nước trở lại dùng tiếp? Nếu vậy, bạn đang tiếp tay cho vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể đấy.
Không nên tái sử dụng quá nhiều lần chai nhựa /// Ảnh: Shutterstock

Không nên tái sử dụng quá nhiều lần chai nhựa

Ảnh: Shutterstock
Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Calgary, Canada lấy thử 76 mẫu nước từ chai nước của các học sinh tiểu học để xét nghiệm. Kết quả cho thấy gần 2/3 mẫu nước có mức độ vi khuẩn vượt mức cho phép đối với nước uống, và họ nghĩ rằng có thể vi khuẩn tái phát triển trong những chiếc chai được để ở nhiệt độ phòng trong một thời gian dài.
Ngoài ra, nghiên cứu gần đây do các nhà khoa học thuộc Trường đại học Florida, (Mỹ) phân tích 16 loại chai nhựa đựng nước phổ biến khác nhau tại Trung Quốc cũng cho thấy nước đựng trong các chai này ở nhiệt độ cao và trong thời gian dài có thể có hại cho cơ thể. Hóa chất trong chai nhựa sẽ nhiễm vào nước, và chai nước để ở nhiệt độ càng cao bao nhiêu thì càng nhiều hóa chất từ chai nhiễm vào nước bấy nhiêu. Tóm lại, lượng hóa chất chuyển từ chai vào nước phụ thuộc vào 2 yếu tố là nhiệt độ và thời gian nước được giữ trong chai.
Theo các chuyên gia, hầu hết chai nhựa có sẵn trên thị trường được sản xuất để sử dụng một lần. Chất liệu của phần lớn các loại chai nhựa hiện nay là polyethylene terephthalate (viết tắt là PET hay PETE) – một loại nguyên liệu nhẹ, xốp, giá rẻ và dễ tái chế và khá an toàn. Tuy nhiên, do bề mặt xốp nên vi khuẩn và mùi có cơ hội tích tụ lại. Loại nhựa này lại dễ bị “rò rỉ” hóa chất trong những điều kiện “khắc nghiệt”, chẳng hạn như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay hơi nóng.
Ngoài ra, trong các chai nhựa thường có 2 loại hóa chất, thứ nhất là antimony và thứ hai là BPA. BPA là một loại hóa chất tổng hợp. Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) gần đây lo ngại BPA có thể hoạt động như một hormone trong cơ thể, làm rối loạn mức hormone và sự phát triển của trẻ nhỏ. Một số nghiên cứu phát hiện BPA có thể có tác động lên hành vi và trí não của trẻ nhỏ. Một số nghiên cứu khác trên động vật cho thấy việc tiếp xúc với BPA có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì.
Tái sử dụng chai nhựa lợi hay hại? - ảnh 1
Trong khi đó, đối với kim loại antimony các nhà khoa học rất lo ngại vì họ tìm thấy có một lượng antimony thoát ra ngoài vượt quá mức cho phép trong 16 loại chai nhựa đem ra phân tích. Antimony là thành phần có trong quá trình sản xuất chai nhựa PET – loại nhựa phổ biến dùng để đựng đồ ăn, nước uống. Đồ nhựa PET khi tiếp xúc với nhiệt độ cao và để trong microwave (lò vi sóng) đang hoạt động có thể làm tăng mức antimony chuyển từ chai vào nước hoặc đồ ăn chứa trong đó. Những người tiếp xúc với antimony như thường xuyên hít phải antimony có thể có các triệu chứng trầm cảm, chóng mặt, nôn mửa, hư thận và gan. Người uống nước có nhiễm antimony liều cao và lâu có thể bị tăng cholesterol. Đây cũng là một chất được coi là có khả năng làm tăng nguy cơ bị ung thư.
Theo Mayo Clinic, về cơ bản, chai nhựa sử dụng một lần không được thiết kế để có thể tái sử dụng nhiều lần. Chất liệu của chúng sẽ hao mòn từ những vết xước, kéo theo các chất hóa học rò rỉ ra nước uống. Thêm vào đó, nhiều người nghĩ rằng sử dụng chất tẩy rửa và nước ấm có thể đánh bại được vi khuẩn đang phát triển trong đó, nhưng thực tế là làm suy giảm chất liệu của nhựa và tăng khả năng thẩm thấu hóa học.
Hiện nay, hầu hết các chuyên gia cho rằng lượng BPA có thể xâm nhập vào nước uống và thực phẩm từ sản phẩm nhựa là rất nhỏ. Nhưng những lo ngại đến từ quá trình tích lũy lâu dài là hoàn toàn có cơ sở.

Để lại bình luận

Scroll
0965717618